Giới thiệu chung về xã Bình Dân huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Bình Dân là một xã thuần nông nằm ở phía Đông Nam huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, xã có đường Quốc lộ 17B chạy qua, cách trung tâm huyện Kim Thành khoảng 9 Km, cách thành phố Hải Dương 30 km về phía Tây và cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20 km về phía Đông; Phía Đông giáp xã Đồng Cẩm, phía Nam giáp xã Liên Hòa, phía tây giáp sông Rạng sang huyện Thanh Hà và một phần xã Kim Đính, phía bắc giáp thôn Phù Tải xã Kim Đính và thôn Hải Ninh xã Kim Tân. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 435,97 ha. Tổng dân số toàn xã là 5.430 người được phân bổ ở 5 thôn trong toàn xã gồm thôn: Trung Tuyến, Phát Minh, Tân Tạo, Phú Nội và Phong Nội
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Tháng 10 năm 1945 có 4 thôn: Quế Phương, Trung Xá, Phú Nội và Phong Nội (là 4 làng trong 11 làng thuộc Tổng Phí Gia) hợp nhất thành xã Chí Minh, đến năm 1949 đổi tên là xã Bình Dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã nhà cùng cả nước tổ chức thắng lợi cuộc tổng tuyển cử ngày 01/6/1946 và cuộc bầu cử HĐND các cấp vào ngày 26/4/1946.
Bình Dân là xã có truyền thống yêu nước, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, giàu lòng vị tha luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết.
Chính vì vậy, Bình Dân được Huyện ủy Kim Thành chọn là nơi làm việc để lãnh đạo phong trào kháng chiến, là nơi đón bộ đội, đồng bào tản cư ở Hải Phòng về xã. Ngày 07/11/1946, Đảng bộ huyện Kim Thành được thành lập tại trường học của thôn Quê Phương xã Chí Minh (nay là xã Bình Dân).
Ngày 15/12/1946 Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Chí Minh, “xã Bình Dân ngày nay” được thành lập, Chi bộ gồm 05 đồng chí đảng viên đầu tiên được kết nạp. Ngay sau khi thành lập chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ cấp bách kiên quyết trấn áp bọn phản động cách mạng; tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố xây dựng lực lượng để bảo vệ Chính quyền; phát triển tổ chức Đảng; phát triển sản xuất; xây dựng các đoàn thể thành lập các lực lượng vũ trang, xây dựng nền móng của chế độ mới.
Cùng với các phong trào trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Dân còn huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường, hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước, thực hiện khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; Đồng thời thường xuyên làm tốt chính sách hậu phương quân đội, giúp đỡ những cơ quan xí nghiệp, trường học về sơ tán ở địa phương.
Từ những đóng góp xứng đáng, Đảng bộ, quân và dân xã Bình Dân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng 439 huân huy chương các loại. Trung ương tặng một bức trướng về thành tích chiến đấu. UBND tỉnh Hải Dương trao tặng một bức trướng về thành tích tuyển quân chi viện cho tuyền tuyến khá nhất Tỉnh. Một huân chương kháng chiến hạng nhì của Nhà nước. Một huân chương lao động hạng ba về sản xuất phục vụ chiến đấu và 562 bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng.
III. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Trong những năm qua thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã, chính quyền và nhân dân xã Bình Dân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực phấn đấu vươn lên, chính vì vậy tình hình kinh tế xã hội xã nhà vẫn tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt tăng trưởng khá so với kế hoạch, lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ; chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường, công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tình hình kinh tế xã nhà tiếp tục tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Đến hết năm 2021 cơ cấu kinh tế của xã là thu nhập bình quân đầu người đạt 65,55 triệu đồng/người/năm
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2017 xã nhà đã hoàn thành về đích xây dựng nông thôn mới và hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và phấn đầu hoàn thành xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022
IV. VĂN HÓA - XÃ HỘI
Xã có 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học và 1 trường THCS, các nhà trường đều duy trì tốt việc dạy và học, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường Mầm Non và trường THCS hàng năm đều đạt danh hiệu tiên tiến.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ngày càng phát triển sâu rộng và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đến nay toàn xã đã có 5/5 làng đã đạt danh hiệu "làng văn hoá" . Việc bình xét công nhận gia đình văn hoá ở từng khu dân cư trong xã được tiến hành theo đúng quy định, 100% số hộ dân trong xã dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 100% số hộ dùng nước sạch. tỷ lệ hộ nghèo của xã hết năm 2021 là 29 hộ nghèo/ 1582 hộ = 1,82% số hộ cận nghèo 32 hộ chiếm tỷ lệ 2,01%
Toàn xã có 2 chùa, 1 đình và 1 đền trong đó có 1 Đình (Đình Khuê Phương) và 1 Đền (Đền Phú Mỹ Xuân Hoa) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm chú trọng, các lễ hội hàng năm không xảy ra tình trạng mê tín dị đoan.